Luận dưới gốc cây

Cập nhật lúc: 16:11 24/08/2021

Không ít người có trách nhiệm đang có xu hướng đổ lỗi đứt gãy chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản cho Covid. Đúng là dịch bệnh đã làm thay đổi mọi cách thức vận hành từ người dân, doanh nghiệp và cả các công sở, nhưng tư duy của loài người đâu có xơ cứng.

Trong vận tải hàng không, thay vì trước đây doanh thu phần nhiều đến từ chở khách thì nay nhiều chuyến bay sẵn sàng gỡ băng ghế để chở hàng. Sự linh hoạt trong chính sách điều hành kinh tế vĩ mô đã giúp cho những sản phẩm ngành nông nghiệp đang dần chiếm ưu thế xuất khẩu. Năm ngoái, dù giữa dịch bệnh, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đã đạt trên 41 tỷ USD; riêng gạo đã thu về trên 3 tỷ USD.

Điều này lý giải vì sao một anh nông dân người dân tộc Dao, Đặng Văn Huy (thôn 3, xã Cư Suê, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) từng thực tập ngành nông nghiệp và có cơ hội làm việc ở Israel, về quê lập nghiệp. Gương mặt Huy đậm chất núi rừng, nhưng tư duy có lẽ tới tận châu Âu-nơi những hạt cà phê anh trồng đang được các thực khách mê đắm.

Tuy vậy, những ngày gần đây, Huy cũng như nhiều nông dân tại Đắk Lắk, khóc dở trước cây sầu riêng, bơ đến mùa hái gặp khó khăn vận chuyển tiêu thụ. Dù đã mua nhiều tủ đông từ nhiều năm trước, nhưng không lẽ cấp đông cả hàng tấn, chờ tiêu thụ.

Mặt hàng này chỉ tiêu thụ nội địa hoặc xuất Trung Quốc. Huy hay Mười “bơ” (một ông vua nông sản khác ở Đắk Lắk) quá hiểu VietGap, GlobalGap (tiêu chuẩn sản xuất nông sản toàn cầu), nhưng không biết làm sao để xe “luồng xanh” đến giúp nông dân đưa sản phẩm tới tay người tiêu dùng.

Cũng đúng thôi vì đó là phần việc của các cơ quan chức năng và chính quyền. Thế nhưng, thấy báo chí phản ánh, chưa gì ngành nông nghiệp tỉnh này ra một văn bản phủ nhận việc trái cây hạ giá mặc cho nghịch cảnh thiếu phương tiện vận tải và nhiều lý do khác là có thực.

“Vụ sầu riêng năm nay, tôi ước lỗ vài trăm triệu đồng”, Huy nói. Không biết những nông dân sản xuất đại trà khác ở Đắk Lắk và nhiều tỉnh khác sẽ xoay xở thế nào trước thế bí này?

Bắc Giang năm ngoái giữa tâm dịch dữ dội, cả hệ thống chính trị tỉnh này vào cuộc để tiêu thụ vải. Không khí tấp nập, khẩn trương. Xe tải chở hàng rộn ràng, địa điểm nông dân tập kết vải khoa học, vùng nào chín trước thu hoạch trước. Chính quyền tuyên bố khử khuẩn, đảm bảo sản phẩm an toàn; bố trí thương lái ở nơi thuận lợi.

Vải không những cao giá, mà còn được “bay” đi khắp thế giới. Ứng dụng công nghệ vào thương mại điện tử triệt để. Sắp đến mùa nhãn chính vụ năm nay, Hưng Yên chuẩn bị đâu vào đấy, thậm chí rất tự tin vào giá bán và thị trường. Nông dân những tỉnh này thực sự “nở mày, nở mặt” trước chính sản phẩm do mình làm ra.

Dịch bệnh đến khiến mọi kinh nghiệm vận hành trên thế giới bị xóa trắng, chỉ còn tư duy ứng phó linh hoạt. Xin đừng để nước mắt người nông dân chát mặn dưới những gốc cây vốn chỉ biết kết trái ngọt.

Đình Thắng

Bài viết gốc: https://tienphong.vn/luan-duoi-goc-cay-post1368905.tpo​

Nguồn: Báo điện tử Tiền Phong